Cửa Lò lấy lại “hào quang” sau dịch
Sau quãng thời gian dài gián đoạn vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, năm nay, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) sẽ tổ chức lễ hội du lịch sớm hơn mọi năm gần 1 tháng. Để lấy lại ánh “hào quang” từng có của mình, trong những ngày qua, chính quyền địa phương đang lên phương án, gấp rút thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, sẵn sàng cho mùa du lịch.
Trên những tuyến phố chính như đường Bình Minh, Sào Nam, Nguyễn Sinh Cung… người dân và nhân viên môi trường đang tất bật dọn dẹp, treo băng rôn, trang hoàng cờ hoa rực rỡ. Dọc bãi biển, hàng chục công nhân xây dựng cùng máy móc đang chạy đua với thời gian hoàn thiện tuyến đê biển bị bão phá hư hỏng vào năm ngoái.
Ông Võ Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết, sự kiện lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2022 sẽ bắt đầu từ ngày 9/4, sớm hơn gần 1 tháng so với mọi năm và kéo dài trong một tuần.
Tuần lễ hội du lịch sẽ có nội dung chính là âm nhạc, ẩm thực và văn hóa truyền thống. Các chương trình sẽ được tổ chức theo hướng lễ hội dân gian, truyền thống với các đặc trưng riêng biệt của thị xã du lịch biển.
Để tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, địa phương đang yêu cầu các ki ốt kinh doanh ăn uống dọc bờ biển, các khách sạn, nhà hàng tập trung sửa chữa, nâng cấp, sơn sửa, chỉnh trang đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng, đèn quảng cáo led, chuẩn bị các điều kiện hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, các điểm ăn sáng, bán hàng lưu niệm, nước giải khát được thị xã Cửa Lò bố trí lại, kẻ vạch, bàn giao vị trí đảm bảo mỹ quan đô thị. Thời gian bán hàng và giờ thu dọn, vệ sinh môi trường được quy định cụ thể.
Bên cạnh đó, tình trạng bán hàng rong, các phương tiện giao thông dừng đỗ sai quy định, kinh doanh đặt bàn ghế trên đường dạo bộ và trên các tuyến đường cấm sẽ bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm khắc.
“Thị xã Cửa Lò đang gấp rút hoàn thiện công tác chỉnh trang đô thị, kịp phục vụ du khách trước ngày 30/3. Bên cạnh đó, chúng tôi yêu cầu các cơ sở lưu trú, nhà hàng, ki ốt kinh doanh tăng cường công tác phòng dịch Covid-19 và đẩy mạnh tiêm phòng đủ 3 mũi vắc-xin cho người lao động. Nếu đơn vị nào vi phạm các quy định phòng dịch thì chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định”, ông Hùng nói thêm.
Cùng gia đình dọn dẹp ki ốt ăn uống ven biển, chị Nguyễn Thị Phương (trú phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) cho biết, khi địa phương thông báo năm nay lễ hội du lịch được tổ chức sớm hơn, nhiều chủ nhà hàng, khách sạn như chị đã rất vui mừng, phấn khởi.
Theo chị Phương, 2 năm vừa qua là quãng thời gian khó khăn nhất của những người làm dịch vụ du lịch. Trong khi mùa du lịch biển Cửa Lò chỉ kéo dài 5 – 6 tháng vào mùa hè lại trúng vào thời điểm dịch Covid-19 ở Nghệ An bùng phát mạnh. Khách sạn, nhà hàng đóng cửa dẫn đến toàn bộ thu nhập, kế sinh nhai của nhiều hộ kinh doanh giảm sút, có lúc cuộc sống rơi vào bế tắc.
“Thu nhập những gia đình kinh doanh ở đây chủ yếu dựa vào 6 tháng du lịch. Tuy nhiên, vì dịch bệnh Covid-19 nên 2 năm nay Cửa Lò không đón khách, cửa hàng quán ăn cũng phải đóng cửa.
Nghe tin năm nay mùa du lịch sẽ tổ chức sớm hơn nên gia đình tôi tranh thủ ra dọn dẹp, tu sửa cửa hàng cho khang trang. Rất mong lãnh đạo thị xã có chính sách thu hút khách, đem lại thu nhập cho người dân chúng tôi”, chị Phương nói.
Du lịch biển bốn mùa
Trước đây, mỗi khi nhắc tới du lịch biển Cửa Lò du khách chỉ nghĩ đến tắm biển và thưởng thức hải sản. Thời gian cao điểm mùa du lịch chỉ kéo dài ngắn ngủi trong khoảng từ tháng 3 – 8 dương lịch.
Đến mùa đông, thị xã Cửa Lò bỗng trở nên lạnh lẽo, vắng vẻ đìu hiu. Lúc này, hầu hết các ki ốt, nhà hàng, khách sạn đều đóng cửa, chỉ còn số ít cơ sở lưu trú duy trì nhân viên. Nhiều địa điểm vui chơi như quảng trường Bình Minh, công viên Hoa cúc biển, đảo Lan Châu, đảo Song Ngư đều vắng người qua lại.
Theo đánh giá, tính thời vụ khiến việc khai thác, sử dụng cơ sở hạ tầng của du lịch biển Cửa Lò không phát huy hết công suất, gây nên lãng phí lớn. Sau quãng thời gian bỏ không, đến đầu mùa du lịch, các cơ sở kinh doanh lại phải bỏ chi phí để duy tu, bảo dưỡng vật chất.
Bên cạnh đó, vì hoạt động kinh doanh thời vụ nên vào mùa du lịch giá thành dịch vụ sẽ tăng cao nhằm bù cho chi phí cho những tháng đóng cửa. Ngoài ra, việc biển Cửa Lò “ngủ đông” cũng khiến nguồn lao động tại các cơ sở du lịch không có việc làm, khâu đào tạo, nâng cao trình độ, nghiệp vụ còn chưa được quan tâm.
Hiểu được điểm yếu “chí mạng” của mình, từ năm 2022, thị xã Cửa Lò sẽ hướng đến du lịch biển bốn mùa. Nhiều chính sách, chủ trương được các cấp lãnh đạo đưa ra nhằm hiện thực hóa quyết định táo bạo này.
Ông Hoàng Thanh Sơn – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Cửa Lò cho biết, để Cửa Lò trở thành địa điểm du lịch biển bốn mùa, UBND thị xã đang nghiên cứu mở thêm các tour du lịch trải nghiệm, thăm quan kết hợp văn hóa tâm linh.
Theo đó, thị xã Cửa Lò sẽ tổ chức thêm nhiều sự kiện, lễ hội mới, diễn ra quanh năm như: Lễ hội đua thuyền truyền thống, lễ hội đền Vạn Lộc (phường Nghi Tân), lễ hội Cầu ngư (phường Nghi Hải); giao lưu văn hóa, hát dân ca tại công viên Hoa Cúc biển, quảng trường Bình Minh; lễ hội âm nhạc đường phố…
Ngoài ra, Cửa Lò sẽ mở các khu chợ đêm, hội chợ để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc biệt, các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương như nước mắm Cửa Hội, cá thu nướng, hải sản khô… “Thị xã Cửa Lò đang xây dựng các địa điểm du lịch tham quan, trải nghiệm độc đáo như các cảng cá, chợ hải sản, làng chài, chợ điện tử Nghi Thủy.
Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức người dân, nhất là các hộ kinh doanh về văn hoá ứng xử, phong cách giao tiếp… với mục tiêu mỗi người dân Cửa Lò là một hướng dẫn viên du lịch thân thiện, mến khách”, ông Sơn nói về định hướng phát triển du lịch Cửa Lò.
Hiện nay, thị xã Cửa Lò có 300 cơ sở lưu trú, với hơn 11.000 phòng nghỉ, có khả năng phục vụ 22.100 lượt khách lưu trú/ngày đêm. Trong đó, có 45 cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 1 – 4 sao, đáp ứng hoạt động và tổ chức được các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế.
Trong năm 2022, Cửa Lò đặt mục tiêu đón hơn 1,5 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó, có 516 nghìn lượt khách lưu trú. Phấn đấu doanh thu từ du lịch đạt 1.522 tỷ đồng.